[Thế giới] -Những "ngư ông" trong cuộc chiến Nga - phương Tây

Các nước phương Tây sử dụng chiêu bài quen thuộc là trừng phạt kinh tế, qua đó hi vọng gỡ gạc được phần nào canh bạc của họ ở Ukraine. Và Nga cũng đã đưa ra các biện pháp đáp trả. Vậy ai được, ai mất trong cuộc chiến cấm vận này?



Thỏa thuận ngừng bắn giữa quân chính phủ và phe ly khai miền đông Ukraine vẫn đang liên tục bị vi phạm

Kìm hãm lẫn nhau
Cho dù một thỏa thuận ngừng bắn đã được ký giữa quân Chính phủ và phe ly khai, mang đến hy vọng mới cho Ukraine, thế nhưng, ngày 8/9, EU vẫn nhất trí gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga. Nước Nga, rõ ràng đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Bộ Kinh tế Nga dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ đạt 0,5 - 1,1% so với mức tăng trung bình 7% những năm 2000. Tỷ lệ lãi suất tăng ngay trong tháng 8/2014, đồng rúp mất giá (-10% kể từ tháng 1/2014), tín dụng giảm, nguồn vốn bị chảy máu đến 46 tỷ euro… Nhiều tập đoàn lớn của Nga đang nợ chồng chất và thiếu vốn. Triển vọng của nền kinh tế Nga đang trở nên mong manh hơn, bầu không khí kinh doanh trở nên u ám hơn…
Trong khi đó, những nước đầu tàu trong EU cũng đang dần thấm đòn cấm vận của Nga. Sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine, tại sàn giao dịch London giá khí đốt đã tăng 21%. Kim ngạch thương mại của Đức sang Nga (trị giá trên 36 tỷ USD) sụt giảm nghiêm trọng, làm chỉ số chứng khoán giảm hơn 600 điểm trong tháng 8/2014; chỉ số niềm tin doanh nghiệp của Đức tụt từ 27,1 điểm trong tháng 7 xuống 8,6 điểm trong tháng 8.
"Các biện pháp trừng phạt bổ sung mà phương Tây dự kiến áp đặt đối với Moscow luôn là “con dao hai lưỡi”. Nó không giúp thiết lập hòa bình tại Ukraine, trái lại còn đe dọa tới hệ thống an ninh toàn cầu”. Ông Dmitry Medvedev
Thủ tướng Nga

Báo cáo của Ngân hàng ING cho biết, EU bị thiệt hại khoảng 6,7 tỷ euro (9 tỷ USD) đối với việc cấm nhập khẩu rau và hoa quả vào Nga. Năm 2013, hãng sữa Valio của Phần Lan đã xuất khẩu sản phẩm sữa trị giá 300 triệu euro sang Nga, hiện đã phải ngừng sản xuất. Nga chiếm 10% lượng hàng hóa xuất khẩu của Phần Lan, do đó, các chuyên gia cảnh báo nền kinh tế nước này có thể phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng mới.

Một số công ty của Na Uy có nguy cơ bị phá sản bởi nước này xuất khẩu sang Nga 1 tỷ USD cá hồi mỗi năm. Hà Lan cũng bị ảnh hưởng nặng nề do đồng rúp của Nga bị mất giá và mất thêm 200 nghìn du khách từ Nga cùng 50% lượng du khách từ Ukraine trong năm nay, tổng thiệt hại có thể lên đến 300 triệu euro. Các nước Đan Mạch, Italy, Ireland, Pháp, Hi Lạp, Ba Lan, các nước Baltic… cũng gánh những thiệt hại đáng kể.
Một số nước đã lên tiếng đe dọa sẽ kiện EU nếu nền kinh tế của những nước này bị ảnh hưởng khiến cuộc sống của người dân gặp khó khăn. Theo Phó Thủ tướng Ba Lan Janusz Piechocinski, Ba Lan có thể phải chịu thiệt hại tới 50% tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm 2014. “Ngư ông đắc lợi”
Trong khi Nga gặp khó khăn và EU đang điên đảo trước các đòn trừng phạt lẫn nhau thì một số nước lại “cười thầm” vì “ngư ông đắc lợi”. Ông Seneri Paludo, Thư ký Chính sách nông nghiệp Brasil cho biết, các hợp đồng nhập khẩu các loại thực phẩm liên tục được kí kết giữa Nga và nước này, trong đó, xuất khẩu thịt bò, đậu nành, đường, cà phê, nước cam và chuối của Brasil sang Nga “tăng chóng mặt”. Riêng mặt hàng thịt, Brasil cam kết sẽ tăng đến 150 nghìn tấn mỗi năm. Nga cũng đã hướng sang Macedonia, Serbia, Algeria, Zimbabwe, Thổ Nhĩ Kỳ, Maroc, Bosnia và Herzegovina, Ai Cập…
Một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất là Trung Quốc. Ngoài những “món quà” bất ngờ trong lĩnh vực năng lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng, Trung Quốc đang xúc tiến xây dựng các trung tâm thương mại tại những khu vực giáp giới Nga. Về tài chính, Bắc Kinh có cơ hội đẩy mạnh hợp tác với Moscow trong bối cảnh các ngân hàng phương Tây đang rời Nga; nhiều nhà băng ở Hồng Kông đã sẵn sàng phục vụ các khách hàng Nga. Theo tạp chí Wall Street, đến nay chính quyền Hồng Kông đã chi tới 8,4 tỷ USD để đảm bảo tỷ giá ổn định. Các quốc gia đang cạnh tranh với Nga về nguồn vốn ngoại tệ cũng được hưởng lợi khi các nhà đầu tư chuyển hướng sử dụng đồng tiền của họ khỏi thị trường Nga.
Cuộc chiến kinh tế Nga - phương Tây thể hiện sự thất bại về chính trị của Mỹ và EU tại Ukraine. Theo tờ báo Pháp Les Echos số ra gần đây, các nhà sản xuất châu Âu sẽ chuốc lấy thiệt hại lớn hơn bởi Nga là một trong những thị trường quan trọng của hàng hóa châu Âu. Quan trọng hơn, các đòn trừng phạt chỉ củng cố thêm quan điểm của Nga rằng tương lai của Nga không nằm ở phương Tây, mà ở trong những dự án hội nhập vào phương Đông. Còn tờ Le Figaro đánh giá, qua sự lựa chọn chính sách đối đầu với Nga trong sự kiện Ukraine, EU đã đẩy nước Nga ra xa khỏi phương Tây, đồng thời thổi bùng lên tinh thần dân tộc chủ nghĩa của người Nga. Và đây là hiểm họa khôn lường. Đ.S