(VTC News) - Vì sao người La Chí đắp hàng ngàn ngôi mộ giả, là điều chưa giải thích nổi.
Kỳ 2: Ông vua có hàng ngàn ngôi mộ Ở xã Bản Díu (Xín Mần, Hà Giang), những câu chuyện về vua Hoàng Vần Thùng được kể rất chi tiết. Ngay gần trung tâm xã cũng có miếu thờ vị vua được cho là của người La Chí này. Các lãnh đạo xã đã mở cửa miếu vào mà không sợ “thánh vật, thần quở”. Bên trong ngôi miếu khá đơn sơ, gồm 3 bàn thờ bằng đất, một bàn thờ chính, hai bàn thờ phụ. Bàn thờ chính có 3 bát hương, 18 chiếc chén xếp ngay ngắn 3 hàng. Bàn thờ phụ có cây nến cổ bằng đồng, một số chum, niêu vỡ. Đáng chú ý là giữa nền nhà bằng đất có một phiến đá cổ, vuông vắn, vẫn còn dấu vết đục đẽo. Theo các lãnh đạo xã Bản Díu, xưa kia, ngôi đền khá khang trang, tường xây bằng gạch nung to rất vững chãi, nền lát đá xanh, nhưng chiến tranh, bom đạn, rồi một số đối tượng tìm vàng bạc, đồ cổ đã xới tung cả khu đền lên. Sau này, nhân dân làm lại bằng tường trình đất trên nền cũ, nhưng làm bé hơn nhiều.
Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 3 âm lịch, chọn ngày đẹp, đại điện các dòng họ, dòng tộc La Chí tập hợp tại miếu thờ, mổ lợn gà, làm lễ cúng vua Hoàng Vần Thùng rồi ăn uống luôn tại miếu. Mấy năm trước, có một nữ doanh nhân đã vào miếu thắp hương khấn vái vua Hoàng Vần Thùng, rồi ra một mô đất được cho là mộ vua xúc bao đất đem về thị trấn Xín Mần thờ. Người La Chí sống tập trung ở 4 xã, trong đó, xã Nàn Xỉn (Xín Mần) và Bản Phùng (Hoàng Su Phì) có 100% người La Chí, còn xã Bản Díu (Xín Mần) và xã Bản Máy (Hoàng Su Phì) chỉ có 63% và 50% người La Chí. Các bản làng La Chí đều nằm trên lưng phần cuối dãy Tây Côn Lĩnh. Họ sống cao hơn cả người Mông. Phần núi non trùng điệp này được người La Chí gọi là dãy Hoàng Vần Thùng. Trong huyền thoại thì Hoàng Vần Thùng là ông tổ của người La Chí. Ông chết đi, thân thể biến thành một dãy núi đất trùng điệp, trên đó, các bản làng La Chí sinh tụ.
Đầu của ông sinh ra người anh cả ở Bản Díu, người con thứ hai sinh ra từ bụng là Bản Phùng và con út sinh ra từ hai chân là Bản Máy và Bản Pẳng. Câu chuyện này nhằm chứng minh rằng, ông Hoàng Vần Thùng là tổ tiên của người La Chí và người La Chí dù ở các bản làng khác nhau, nhưng đều là anh em ruột thịt. Dãy núi đất hùng vĩ mà người La Chí đang sống chính là thân thể ông tổ họ. Hàng ngày, những lúc bình minh lên hay hoàng hôn xuống, vào những đêm trăng rằm sáng tỏ, người La Chí đều có thể ngắm nhìn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của tổ tiên mình. Các thế hệ người La Chí được giáo dục bằng hình ảnh đẹp như thế, nên bao thế kỷ nay, họ yêu quê hương tha thiết và quyết bám đất, bám làng trên miền biên viễn Tổ quốc. Tôi đã đi dọc các bản làng người La Chí để tìm hiểu về vua Hoàng Vần Thùng và phát hiện ra rằng, trên khắp phần đuôi dãy Tây Côn Lĩnh này đâu đâu cũng có mộ vua.
Ông vua thì chỉ có một, mà mộ thì có đến cả ngàn. Những ngôi mộ là những gò đất tròn, to, nhẵn, khum khum như mai rùa. Ngôi bé có diện tích chục mét vuông, ngôi lớn rộng cả ngàn mét vuông. Phần lớn các ngôi mộ nằm trên bãi đất trống, rộng và thoáng. Điều khá lạ, là gần các ngôi mộ thường có những cây đa khổng lồ. Trông hình thù ngôi mộ không giống mô đất tự nhiên, mà có dấu hiệu tạo tác của con người. Điều lạ nữa là phần nhiều những ngôi mộ này nằm trên một đường thẳng kéo dài từ xã Bản Díu, qua Bản Phùng, đến tận Bản Máy, dọc sống núi Tây Côn Lĩnh. Các ngôi mộ phân bố trên một khoảng cánh khá đều đặn. Có khá nhiều huyền thoại quanh những gò đất như những ngôi mộ. Thầy giáo Vương Ngọc Phúc, người La Chí, hiện đã nghỉ hưu tại bản nắm khá rõ sự tích về những ngôi mộ này.
Theo đó, xưa kia, có một gia đình sinh được 12 người con trai. Khi người bố ốm sắp chết, ông dặn các con hai điều. Thứ nhất, lúc ông chết thì đừng đem chôn như mọi người mà chỉ cần đào một hố thật sâu rồi bỏ quan tài xuống là được. Sau khi bố chết, những người con làm theo lời dặn của bố, nhưng không biết làm thế nào để hạ quan tài xuống được vì hố sâu quá. Bàn tính mãi rồi họ mới nghĩ ra cách tết những sợi dây dài 28 sải tay, buộc vào quan tài rồi thòng xuống huyệt. Điều thứ hai, ông bố dặn: “Ở nhà có 12 kho thóc, các con cứ ăn hết 12 kho thóc đó rồi hãy đi làm nương, làm ruộng. Nếu kho thóc chưa cạn thì không cần đi làm gì cả”. Nghe theo lời bố dặn, 12 người con trai chẳng đoái hoài gì đến ruộng nương, suốt ngày chỉ ăn ngủ, chơi bời. Những người vợ thấy chồng mình như vậy mãi thì không chịu được bèn mắng: “Muốn chết đói cả hay sao?”. Nể vợ, 12 người con mới chịu lên nương làm việc, nhưng khi làm việc thì tay họ luôn cầm ô hoa che nắng. Dân làng thấy vậy, nghĩ rằng đây là điềm báo bố của những người cầm ô hoa này sắp xưng vua. Dân làng bắt cả 12 người con đó và đem giết đi. Nhưng làm mọi cách mà họ không chết. Đâm, chém vào da thịt vẫn không chảy máu. Đem bỏ vào chõ nấu rượu cũng không bị bỏng.
Giết không được, dân bản mới hỏi họ: “Bố của các anh đâu?”. Những người con trai trả lời: “Chết rồi”. “Chết rồi thì chôn ở đâu?”. “Chôn sâu lắm”. Thế là dân làng kéo nhau đi tìm và đào mộ lên. Khi mở quan tài ra, thấy bố của 12 người con này vẫn sống, lại sắm sửa được rất nhiều đồ đạc, có cả ngai vàng. Thấy vậy, dân bản đem giết đi. Dân bản muốt triệt hết mầm loạn nên hỏi: “Mộ mẹ các anh ở đâu?”. Họ trả lời: “Mộ mẹ chúng tôi ở trong rừng, trong núi”. Nói rồi một trong 12 người con ấy lấy gậy sắt vừa chỉ vừa chọc vào núi. Chọc đến chỗ nào thì chỗ ấy nổi lên thành mộ, thành gò đống cao. Thế là dân làng không tìm được mộ mẹ của 12 người con trai đó. Chính vì thế, dãy núi phần cuối Tây Côn Lĩnh có nhiều gò mộ như ngày nay. Tuy nhiên, sự tích về những gò mộ liên quan đến vua Hoàng Vần Thùng được người dân và các lãnh đạo xã kể nhiều hơn và họ đều khẳng định tính chính xác của nó, dù chỉ là truyền miệng. Box: Anh Hoàng Chí Nhân, Giám đốc Trung tâm văn hóa Hoàng Su Phì: “Tôi đã nghiên cứu cả trăm ngôi mộ, không rõ là thật hay giả của vua Hoàng Vần Thùng và tôi xin khẳng định rằng, tất cả những ngôi mộ trên dãy Tây Côn Lĩnh đều là do con người đắp. Sở dĩ, tôi khẳng định như vậy, là vì khi đào gò đất lên, thì thấy rất rõ hai lớp đất khác nhau. Đất đắt mộ là đất mang từ nơi khác đến. Thậm chí, một số ngôi mộ ở Bản Máy còn nằm chênh vênh trên sườn núi đá. Để đắp được ngôi mộ đó, phải vác đất ở chỗ khác đến là điều hiển nhiên. Một số ngôi mộ bị xẻ đôi do làm đường, thể hiện rõ có hai lớp đất, dấu vết mộ đất do con người đắp. Vì sao người La Chí đắp hàng ngàn ngôi mộ giả, là điều chưa giải thích nổi”. Còn tiếp… Dương Phạm Video đang được xem nhiều |