[Kinh tế] -Sẽ thu hẹp các lĩnh vực độc quyền Nhà nước

(HQ Online)- Theo Bộ Tài chính, trong định hướng hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả kinh doanh của DNNN, thu hẹp những lĩnh vực độc quyền Nhà nước.


Thời gian tới sẽ chủ động xóa bỏ độc quyền và giảm khu vực DNNN xuống mức hợp lý.

32 tỉnh không còn DNNN

Qua thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2000-2011, số lượng DNNN giảm 50% trong khi số lượng DN ngoài Nhà nước tăng gấp 9 lần, số DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6 lần.

Theo đó, cơ cấu DN cũng có sự thay đổi, tỷ trọng DNNN trong tổng số DN giảm từ 13,6% năm 2000 xuống còn 1% năm 2011. Tỷ trọng DN ngoài Nhà nước tăng từ 82,7% lên 96,2%. Khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài nhìn chung không có sự thay đổi lớn trong cơ cấu DN.

Hệ thống các DNNN được đổi mới, sắp xếp lại, cơ cấu lại đã góp phần phát triển và nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN. Tính đến 31-12-2013 cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.376 DN, trong đó, cổ phần hóa 3.659 DN; chuyển thành công ty TNHH một thành viên 1.033 DN; giao DN: 222 DN; bán DN: 158 DN; giải thể 313 DN; phá sản 92 DN; chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên: 22 DN; các hình thức khá (sáp nhập, hợp nhất...): 877 DN.

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua đã hình thành các tổng công ty và một số tập đoàn kinh tế ở những lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với nền kinh tế. Đồng thời đã thu hẹp những lĩnh vực độc quyền Nhà nước.

Đã có 32 tỉnh không còn DNNN kinh doanh thuần túy, mà chủ yếu sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN, tính đến thời điểm hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án của 20/20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc thẩm quyền. Các bộ, địa phương đã phê duyệt 68 đề án của tổng công ty Nhà nước trực thuộc.

Về phương án cổ phần hóa tập đoàn, tổng công ty Nhà nước: 6 tháng đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 12 phương án (Tập đoàn Dệt May Việt Nam và 11 tổng công ty Nhà nước), gấp 2 lần so với năm 2013. Kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN, tính đến ngày 20-6-2014 đã sắp xếp 58 DN, trong đó cổ phần hóa 38 DN, giải thể 2 DN, sáp nhập 15 DN và đề nghị phá sản 3 DN.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế còn tồn tại đối với các DNNN. Trong đó, hoạt động của DNNN vẫn dàn trải trong nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn. Trong khi đó, nhiều DNNN ở những lĩnh vực nhà nước cần nắm giữ lại có quy mô nhỏ.

Bên cạnh đó, kết quả sắp xếp lại DNNN theo mục tiêu “tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng” vẫn còn ở mức độ hạn chế; Tốc độ cổ phần hóa chậm, nhất là những năm gần đây do tình hình kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán sụt giảm; số lượng DN thực hiện cổ phần hóa đạt thấp so với phương án phê duyệt.

Giảm DNNN xuống mức hợp lý

Trong thời gian tới, Chính phủ định hướng sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình DN và các tổ chức sản xuất kinh doanh nhằm sớm tạo lập nền tảng tiên tiến và hợp lý, vững chắc của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Trong đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu trên thực tế theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013, tái cơ cấu, sắp xếp lại căn bản khu vực DNNN gắn liền với khuyến khích mạnh mẽ, không hạn chế sự phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình DN nhằm sớm tạo ra thị trường cạnh tranh tương đối hoàn hảo.

Có nghĩa, số lượng DNNN sẽ đủ lớn, cân bằng với các chủ thể tham gia thị trường, sự tự do, bình đẳng trong cạnh tranh và kinh doanh; chủ động xóa bỏ độc quyền, kiểm soát độc quyền trong cạnh tranh và giảm khu vực DNNN xuống mức hợp lý.

Trong dự thảo Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh do Bộ Tài chính trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vừa qua, đã có nhiều quy định chặt chẽ hơn nhằm thúc đẩy việc sắp xếp, đổi mới DNNN. Trong dự án Luật, từ khâu đầu tư đến quản lý đều đưa các nội dung đổi mới quyết liệt để đảm bảo khu vực DNNN thực sự hoạt động có hiệu quả và sẽ thu hẹp DNNN.

DNNN cũng đã tạo việc làm cho khoảng 1.255 nghìn người lao động, có mức thu nhập tương đối ổn định so với thực trạng của kinh tế Việt Nam trong những năm qua. Vốn nhà nước đầu tư vào DN được bảo toàn và phát triển, tăng từ 136.000 tỷ đồng trước năm 2006 lên 921.000 tỷ đồng năm 2012, tập trung chủ yếu ở các tập đoàn, tổng công ty.

Phần lớn DNNN hoạt động có lãi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình của DNNN những năm 1999-2000 khoảng 14%/năm, tăng lên 20,5% năm 2005, giai đoạn 2007-2012 tuy gặp khó khăn, nhưng vẫn đạt trung bình khoảng 16%/năm. Số DN thua lỗ và hòa vốn giảm mạnh, từ 60% xuống còn 20% năm 2012. Nộp ngân sách tăng bình quân 10-30%.